Di tích lịch sửĐiểm đến

Đền thờ Liễu Hạnh Công Chúa

Từ đỉnh Đèo Ngang theo quốc lộ 1A đi về hướng Nam khoảng 2km, rẽ trái theo con đường mòn gần 500m, ta sẽ tới đền Liễu Hạnh công chúa. Nằm trong di tích danh lam thắng cảnh Đèo Ngang, thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, đền là di tích tín ngưỡng dân gian với hình tượng Mẫu Liễu Hạnh trong đời sống tâm linh của dân tộc.

Hằng năm, khách du lịch Quảng Bình hay du khách thập phương thường đến viếng, thắp hương cầu nguyện. Tương truyền đây là công chúa con vua Lê Thánh Tông. Trong một lần theo vua cha đi chinh phạt phía Nam, khi đến vùng biển Đèo Ngang thì biển nổi phong ba dữ dội như muốn nhấn chìm tất cả. Thấy nguy nan khi Long vương nổi giận, công chúa đã liều mình nhảy xuống biển, hiến mình cho Long vương. Và lúc ấy, biển lặng, thuyền quân yên ổn và cuộc thân chinh của vua Lê Thánh Tông thắng lợi. Nhà vua đã mai táng công chúa dưới chân Đèo Ngang. Người dân ở đây kính trọng trước hành động quả cảm của nàng công chúa nên lập đền thờ truyền tụng đến muôn đời.

Đền thờ công chúa Liễu Hạnh
Đền thờ công chúa Liễu Hạnh

Đền Liễu Hạnh công chúa ở Đèo Ngang có diện tích khoảng 335m2. Từ đường thiên lý Bắc – Nam đi vào, lần lượt qua cổng đền, bức bình phong, cổng Tam quan, hai trụ đầu lân trước điện thờ, đền Tiền, đền Hậu.

Nhìn tổng thể kiến trúc của đền, chúng ta thấy đây là một công trình kiến trúc tuy nhỏ, được xây dựng bằng đá, gạch, vôi nhưng vẫn mang truyền thống mỹ quan á Đông và bảo lưu được bản sắc văn hóa dân tộc. Điều này được thể hiện qua kết cấu cổng tam quan được bố trí một cách đối xứng, cân đối và hài hòa, sự cân xứng và đăng đối, hài Hòa ở đây là nói lên sự trung chính, ngay thẳng và cũng là ước mơ của con người. Mặt khác, lối cấu trúc cân xứng, đăng đối và hài hòa đó còn tạo ra vẽ đẹp cho kiến trúc, nghệ thuật và thể hiện sự trang nghiêm của cả công trình kiến trúc đền.

Nhìn tổng quan, chúng ta có thể thấy được sự tài hoa về kỹ thuật xây dựng, về hội họa, tài ghép sành sứ của con người ở đây. Chủ đề trang trí với đền thường gắn liền với những quan niệm, tư tưởng và những ước mơ hoài vọng tốt đẹp của xã hội phong kiến Việt Nam nói riêng và cư dân văn minh nông nghiệp lúa nước phương Đông nói chung. Đó là các hình tượng như Tứ Linh (long, lân, quy, phụng), tứ thủ (cầm, kỳ, thi, họa), tứ quý (tùng, trúc, mai, sen) và nhiều biểu tượng cúc hóa long, mai hóa long, tùng hóa long…

Đặc biệt, nhìn vào bố cục kiến trúc của đền được sắp xếp theo thứ tự từ thấp đến cao theo một trục dọc, cân đối và đăng đối, chính bố cục này đã làm thêm phần trang nghiêm của đền Liễu Hạnh công chúa.

Đền Liễu Hạnh công chúa ở Đèo Ngang nằm trong cụm di tích-danh thắng Đèo Ngang (Hoành Sơn Quan, lũy Hoàn Vương, đình Vĩnh Sơn, Hòn La…). Đây là cụm di tích còn tiềm ẩn nhiều khả năng trong việc phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà.

Đền thờ Liễu Hạnh công chúa ở Đèo Ngang là điểm thờ Mẫu ở Quảng Bình và trở thành một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa cộng đồng đối với nhân dân Quảng Bình nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.

Đền thờ Liễu Hạnh công chúa ở Đèo Ngang là điểm cuối phía Nam còn nguyên vẹn về kiến trúc đền thờ Mẫu Liễu Hạnh như tục thờ Mẫu ở Phủ Giầy. Đền thờ như một minh chứng cho sự tích Liễu Hạnh công chúa ở Đèo Ngang, trong truyền thuyết dân gian đã có từ lâu đời. Chính vì vậy, di tích đền Liễu Hạnh công chúa ở Đèo Ngang, xét về quy mô, phong cách và vị trí của nó trong lịch sử phát triển của dòng tín ngưỡng dân gian Việt rất xứng đáng để chúng ta trân trọng, bảo tồn.

Hiện nay Đến thờ thánh mẫu liễu hạnh là điểm đến hấp dẫn của Du lịch Quảng Bình

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button