Quảng Bình là một địa điểm du lịch khá quen thuộc đối với du khách Việt Nam và thế giới. Nó không chỉ nổi tiếng bởi vẻ đẹp của những hang động hoang sơ, hùng vĩ mà nơi đây còn thu hút du khách thập phương bởi những giá trị lịch sử lâu đời. Trong đó phải kể đến Quảng Bình Quan, là một thành lũy được xây dựng từ năm 1639 dưới triều Nguyễn trải qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử, Quảng Bình Quan vẫn giữ được những nét truyền thống văn hoá lâu đời của một triều đại phong kiến hưng thịnh nhất Việt Nam. Hứa hẹn đây sẽ là một địa điểm du lịch tâm linh vô cùng thú vị đối với vị lữ khách xa gần.
1. Đôi nét về Quảng Bình Quan
Quảng Bình Quan được xây dựng năm 1639 từ thời Chúa Nguyễn, thành lũy cổ kính này thuộc trung tâm phường Hải Đình, TP. Đồng Hới nằm ngay giữa ngã tư: phía Đông là đường Mẹ Suốt đi xuống bến sông Nhật Lệ, phía Tây là đường đi lên Đức Ninh, phía Nam là đường đi Huế, phía Bắc là đường đi Hà Nội.
Quảng Bình Quan thuộc thành lũy Đâu Mâu – Nhật Lệ xưa với ba cửa quan: cửa vào dinh Quảng Bình gọi là Quảng Bình Quan (Cổng Bình Quan), cửa Lý Chính Đại Quan Môn (Cổng Thượng) và cửa Thủ Ngự tại cửa biển Nhật Lệ. Riêng cửa Thủ Ngự thì nay cũng đã mất và cũng không có ghi chép lại trong sử sách.
Năm 1812, Lộc Khê Hầu Đào Duy Từ vâng mệnh Chúa Nguyễn thiết kế và xây bằng thành lũy này bằng đất bởi công sức của tất cả người dân ở đây. Đến năm 1824, vua Minh Mạng đã nhờ một viên sỹ quan Pháp thiết kế lại theo kiến trúc và dáng dấp của một thành lũy quân sự thật thụ: khung thành có hình múi khế, 4 múi to theo hướng Tây Nam – Đông Bắc, 4 múi nhỏ theo hướng Tây Bắc – Đông Nam.
Vào thời này, đây được xếp là một trong những công trình có kiến trúc đặc sắc của đất nước. Năm 1842, phía đường Đức Ninh của Quảng Bình Quan được xây thêm hào ngoài thành, có cầu gạch vòng qua hào bởi sự chỉ đạo của vua Thiệu Trị. Quảng Bình Quan trải qua hàng trăm năm vẫn sừng sững, uy nghi và cổ kính giữa thành phố Đồng Hới hoa lệ.
2. Kiến trúc của Quảng Bình Quan
Quảng Bình Quan là một hệ thống thành lũy bảo vệ kinh đô kết hợp cổng thành kiên cố, là một công trình kiến trúc độc đáo của Quảng Bình ngày nay.
Quảng Bình quan là trung tâm của hệ thống Lũy Thầy, được xây dựng với một mô hình kiến trúc độc đáo, kết hợp hài hoà hai yếu tố trọng yếu, vừa là chiến luỹ phòng ngự chiến đấu kiên cố vững chắc, vừa là một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc. Nơi trấn giữ con đường huyết mạch Bắc-Nam và đường thuỷ từ cửa biển Nhật Lệ vào, nhờ vậy hơn 7 lần quân của Chúa Trịnh vượt Sông Gianh vào Nam đều bị chặn lại bởi cửa ải này. Là chứng tích đau thương của một thời phân tranh đất nước, nhưng Quảng Bình quan cũng như hệ thống Luỹ Thầy đã thể hiện sự phát triển cao của nghệ thuật kiến trúc thành luỹ quân sự Việt Nam, là địa chỉ cho các nhà nghiên cứu kiến trúc và quân sự sau này.
Trước 1945, Quảng Bình Quan gồm có 1 hào ngoài thành, có 1 cầu gạch vòng qua hào, giao giữa đường Đức Ninh và Cầu Hào còn có 1 âm hồn trên một nghĩa địa lớn.
Là một trong ba cửa quan của Lũy Đâu Mâu – Nhật Lệ, Quảng Bình Quan còn liên kết với 2 cổng nữa đó là cửa Lý Chính Đại Quan Môn ( còn gọi là Cổng Thượng ) và cửa Thủ Ngự. Theo sách Đại Nam thống nhất ghi chép: “cửa quan dài hai trượng 1 thước, rộng hai trượng 5 thước; thành ngoài bảo vệ cửa quan dài 14 trượng 6 thước cao 3 thước, năm Minh Mạng thứ (1826) xây gạch đá”.
Chu vi thành dài 465 trượng (1.860m) , cao 1 trượng (4m), mặt thành rộng 1,35m móng dày 2 m. Lúc này thì thành đã được xây hoàn toàn bằng gạch có độ nung cao, chủ yếu là 2 loại kích thước: 0,3 x 0,3 x 0,06 m và 0,28 x 0,14 x 0,06 m, vữa bằng mật mía trộn cát, không tô trát.
Quảng Bình Quan không chỉ minh chứng cho một hệ thống quân sự vững chắc thời Trịnh Nguyễn mà còn khắc họa nét tinh tế của một công trình nghệ thuật đã có hàng trăm năm tuổi.
3. Du lịch Quảng Bình Quan có gì thú vị?
Quảng Bình Quan hiện tại đã được phục chế lại với kiến trúc nguyên bản, thành vẫn còn 3 cổng tương đối nguyên vẹn. Di tích đã tồn tại hàng trăm năm, từng chứng kiến nhiều mốc lịch sử quan trọng của mảnh đất Đồng Hới – Quảng Bình.
Đây cũng là một trong 32 công trình văn hóa trọng điểm được đầu tư trong giai đoạn 2001 – 2010. Đến thành phố Đồng Hới, du khách sẽ được tìm hiểu lịch sử, ngắm công trình kiến trúc lâu đời cũng như cảm nhận được khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp.
Đến Quảng Bình , ngoài tham quan Quảng Bình Quan bạn có thể kết hợp khám phá các địa điểm du lịch nổi tiếng khác tại TP. Đồng Hới như:
3.1 Tượng đài Mẹ Suốt cách 500m
Tượng đài Mẹ Suốt có chiều cao 7 mét, đặc tả hình ảnh Mẹ Suốt – người mẹ Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến cứu nước. Với tay cầm chắc mái chèo, nét mặt hiên ngang, mẹ chính là người đưa các chiến sĩ, thanh niên xung phong sang sông. Đây là công trình lịch sử thể hiện lòng biết ơn của nhân dân Quảng Bình với nữ anh hùng Nguyễn Thị Suốt.
3.2 Chợ đêm Đồng Hới cách 700m
Quảng Bình không chỉ có cảnh đẹp mà còn có rất nhiều món ăn ngon. Nếu bạn muốn thưởng thức đặc sản Quảng Bình đừng quên ghé chợ đêm Đồng Hới. Nơi đây bày bán rất nhiều đồ lưu niệm, những món ăn đặc trưng được chế biến bởi người dân địa phương với giá thành cực kỳ phải chăng.
3.3 Nhà thờ Tam Toà cách 1Km
Nhà thờ Tam Tòa là nhà thờ Công giáo nổi tiếng, bị chiến tranh tàn phá chỉ còn phần tháp chuông. Nhà thờ được xây theo kiến trúc Bồ Đào Nha, phục vụ cho khoảng 1.200 giáo dân. Sau hiệp điện Giơ-ne-vơ, hầu hết giáo dân di cư vào Nam, nhà thờ gần như không còn được sử dụng. Đến khoảng tháng 2 năm 1965, nhà thờ gần như bị đánh sập, chỉ còn lại phần tháp chuông và cột trụ bằng gạch trên nền móng đá.
Với giá trị và ý nghĩa quan trọng trong lịch sử, Quảng Bình Quan không chỉ đơn thuần là một công trình kiến trúc để tham quan mà còn chứa đựng trong đó cả một câu chuyện dài về một thời kỳ đặc biệt trong lịch sử đất nước, thời Trịnh – Nguyễn phân tranh. Với những giá trị như thế, chắc hẳn Quảng Bình Quan sẽ là một điểm đến không thể bỏ qua trong những tour du lịch Quảng Bình của bất kỳ du khách nào.