Bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình
Tỉnh Quảng Bình hiện có hai dân tộc thiểu số chính là dân tộc Bru-Vân Kiều và dân tộc Chứt. Mỗi dân tộc đều có những giá trị văn hóa độc đáo riêng có, thể hiện qua các phong tục tập quán, lễ hội dân gian, các làn điệu dân ca, ẩm thực được lưu giữ từ xa xưa. Những giá trị văn hóa này cùng với tài nguyên thiên nhiên sẵn có là tiền đề to lớn để Quảng Bình phát triển kinh tế – xã hội nói chung và phát triển ngành du lịch nói riêng.
Người dân tộc Bru-Vân Kiều của tỉnh Quảng Bình có đời sống văn hóa, tinh thần vô cùng phong phú và đa dạng. Những làn điệu độc đáo, đặc trưng như Si Nớt, Tà Oai đã gắn bó bền chặt với đồng bào từ bao đời nay, được cất lên vào các dịp lễ, Tết, cưới hỏi khi thực hiện nghi thức thờ cúng tổ tiên, thờ cúng các vị thần của núi rừng, cũng có khi là khúc ca hò hẹn của đôi trai gái người Bru-Vân Kiều. Ông Hồ Văn Thảo, nghệ nhân ở bản Khe Giữa, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy chia sẻ: “Những làn điệu này trẻ cũng như già, ở trong bản ai ai cũng thích, ai ai cũng thuộc”.
Cùng với những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc, xã Ngân Thủy hiện là một trong những địa phương vùng cao của tỉnh Quảng Bình có nhiều điểm đến du lịch hấp dẫn du khách. Bản Còi Đá nằm giữa thung lũng rộng lớn, được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi hùng vĩ với nhiều hang động lớn nhỏ và những dòng suối trong xanh. Với cảnh sắc tuyệt đẹp, bản Còi Đá có nhiều ưu thế để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Năm 2018, UBND tỉnh Quảng Bình đã đưa vào khai thác thử nghiệm sản phẩm du lịch “Khám phá thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Bru-Vân Kiều ở huyện Quảng Ninh và huyện Lệ Thủy”. Trong đó, điểm nhấn là tìm hiểu, khám phá văn hóa cộng đồng dân tộc Bru-Vân Kiều ở bản Còi Đá, xã Ngân Thủy. Đây là sản phẩm du lịch khám phá thiên nhiên kết hợp với tham quan hang động và tìm hiểu văn hóa bản địa của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều trên địa bàn.
Để hướng đến phát triển du lịch lâu dài tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người dân đã được tuyên truyền vận động, tập huấn để từng bước trở thành những chủ thể làm du lịch trên chính mảnh đất quê hương mình. Bản Rum Ho, xã Kim Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ là một bản nhỏ với chỉ hơn 100 hộ dân, hầu hết là người dân tộc Bru-Vân Kiều. Bản nằm trong vùng đệm của Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu – khe Nước Trong, một điểm đến du lịch vô cùng nổi tiếng của tỉnh Quảng Bình. Để khai thác tiềm năng du lịch của bản Rum Ho, đồng thời tạo sinh kế bền vững cho người dân vốn chỉ sống phụ thuộc vào rừng, Dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ đã hỗ trợ người dân phát triển mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, phối hợp cùng Công ty TNHH Netin Travel tổ chức chuỗi các hoạt động tư vấn và tập huấn để giúp đồng bào nơi đây có đủ kiến thức và kỹ năng làm du lịch một cách bài bản. Ông Hoàng Văn Lình, Chủ tịch UBND xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy chia sẻ: “Phát triển du lịch đã làm thay đổi cuộc sống của đồng bào ở đây. Bà con có công ăn việc làm ổn định, có thu nhập, trình độ dân trí cũng được nâng lên rõ rệt”.
Quảng Bình hiện có hai dân tộc thiểu số là dân tộc Bru-Vân Kiều (với các tộc người Vân Kiều, Trì, Khùa, Ma Coong) và dân tộc Chứt (bao gồm người Sách, Mày, Rục, Arem, Mã Liềng). Mỗi dân tộc và tộc người đều có những giá trị văn hóa độc đáo riêng có, thể hiện qua các phong tục tập quán, lễ hội dân gian, các làn điệu dân ca, ẩm thực được lưu giữ từ xa xưa. Những giá trị văn hóa này cùng với tài nguyên thiên nhiên sẵn có là tiền đề to lớn để Quảng Bình phát triển kinh tế – xã hội nói chung và phát triển ngành du lịch nói riêng. Hiện nay, tỉnh Quảng Bình có hơn 40 sản phẩm du lịch đang được khai thác, trong đó có nhiều sản phẩm du lịch văn hóa ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bước đầu tạo được sức hút với khách du lịch. Cùng với đó, các điểm đến di tích lịch sử, trải nghiệm văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại cũng là những sản phẩm du lịch đặc trưng của Quảng Bình.
Lễ hội đập trống là nét văn hóa độc đáo của tộc người Ma Coong sinh sống tại xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch. Nếu đến Thượng Trạch vào đúng dịp 16 tháng Giêng âm lịch, khách du lịch sẽ được hòa mình vào lễ hội. Sau phần lễ với nhiều nghi thức trang trọng, già làng tuyên bố lễ hội đập trống bắt đầu cũng là lúc phần hội diễn ra. Hàng trăm người dân Ma Coong cùng với du khách thay nhau cầm gậy đập lên mặt trống được làm từ da trâu, bò. Theo quan niệm của người Ma Coong, tiếng trống chính là hiện thân của tâm linh, tiếng của người Ma Coong không bị khuất phục trước cuộc sống khó khăn giữa núi rừng. Đây là một trong những lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình thu hút nhiều khách du lịch tham gia.
Một lễ hội cũng đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình, đó là lễ hội trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh. Lễ hội trỉa lúa (hay còn gọi là lễ hội lấp lỗ) diễn ra từ ngày 11 – 14/7 âm lịch, được xem là lễ hội quan trọng nhất trong đời sống tín ngưỡng và sinh hoạt cộng đồng Bru-Vân Kiều. Lễ hội diễn ra trước khi bà con đem hạt giống cất giữ kín đáo trong gùi hàng năm ra trỉa xuống đất cầu mong thần trời, thần nước, thần rừng, thần núi giữ gìn bảo hộ cho sự sinh sôi, nảy nở chắc hạt nặng bông có ngày thu hoạch. Hay lễ hội mừng cơm mới của dân tộc Bru-Vân Kiều ở xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy thường được tổ chức sau khi thu hoạch lúa rẫy vào tháng 10 và tháng 11 âm lịch hằng năm. Đây cũng là một lễ hội vô cùng quan trọng của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình, được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào ngày 7/3/2023. Sau mùa lúa rẫy hằng năm, bà con tổ chức lễ hội mừng cơm mới để tạ ơn trời đất, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, lúa ngô đầy kho, cuộc sống no đủ. Những lễ hội này vừa có giá trị về lịch sử và văn hóa tộc người, vừa góp phần thu hút khách du lịch đến trải nghiệm đời sống văn hóa cộng đồng của người dân địa phương.
Trên thực tế, công tác bảo tồn, phát huy giá trị vǎn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Bình gắn với phát triển du lịch vẫn chưa tương xứng với bề dày lịch sử và các giá trị văn hóa của địa phương. Một số loại hình văn hóa truyền thống đang có nguy cơ mai một, thất truyền như các nghi thức lễ hội, các trò chơi dân gian, các làn điệu dân ca, nhạc cụ… Ðiều kiện về cơ sở vật chất, các cơ chế chính sách, đội ngũ chuyên gia về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu. Công tác xã hội hóa trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch gặp nhiều khó khăn.
Nằm trên dải đất miền Trung nắng gió khắc nghiệt, nhưng Du lịch Quảng Bình lại được thiên nhiên ưu ái ban tặng không ít thắng cảnh đẹp, phong phú và đa dạng, cùng với những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc sinh sống trên địa bàn. Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch sẽ góp phần làm đa dạng hóa, bổ sung dịch vụ cho các sản phẩm du lịch của tỉnh Quảng Bình; đồng thời, chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân ở các vùng còn khó khăn nhưng có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hấp dẫn giữa núi rừng Trường Sơn.
Linh Trang – QBTV