Điểm đến

NÚI THẦN ĐINH – LEO NÚI CẦU NGUYỆN “MAY MẮN, SỨC KHỎE”

Tại thôn Rào Đá, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh tỉnh Quảng Bình có ngọn núi nằm ở độ cao khoảng 405m so với mực nước biển rất linh thiêng, mọi người thường đến đây leo núi cầu nguyện, uống nước thánh, ngắm nhìn cảnh vật, chinh phục,… . Chỉ cách thành phố Đồng Hới chừng 25km theo hướng Tây Nam ta có thể tìm thấy ngọn núi này với tên gọi là núi Thần Đinh điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của tỉnh Quảng Bình, mang nhiều câu chuyện huyền tích về tâm linh.

Núi Thần Đinh (Nguồn: sưu tầm)

Những câu chuyện truyền thuyết núi Thần Đinh

Núi Thần Đinh còn gọi là núi Chùa Non hay là núi Bất Nghĩa theo người dân kể do tất cả các núi ở Quảng Bình hướng về phía nam, chỉ riêng núi Thần Đinh quay về hướng bắc nên bị các vua chúa miền Nam buộc ngọn núi tội “bất nghĩa”. Vì ngọn núi này mang nhiều huyền tích và năm ở vùng đất thiêng nên người xưa gọi là: “chốn đa phật”.

(Nguồn: sưu tầm)

Có truyền thuyết kể rằng: “Thầy Ân Khả đã tu ở chùa này (chùa Kim Phong) từ năm 1694 (đời Lê Huy Tông, niên hiệu Chính Hòa, ứng với triều Khang Hy bên Trung Quốc), thầy là người đức độ tài trí, được tăng ni phật tử trong vùng yêu mến. Trước khi viên tịch, thầy cắt một ngón tay út bỏ vào tráp để lại cho chùa. Lạ thay ngón tay tươi mãi không hề bị thối rữa. Sau này thầy đầu thai vào một gia đình bên Trung Quốc và tái sinh trong hình hài vua Càn Long (1736-1796) (tương truyền vua Càn Long cũng bị thiếu mất một ngón tay út). Vua Càn Long linh cảm tiền kiếp có duyên nợ với chùa non trên núi Thần Đinh bên Đại Việt nên đã gửi một quả chuông sang tặng, chuông có khắc mấy chữ “Thần Đinh chung”. Thuyền chở chuông vào đến cửa sông Nhật Lệ thì không may bị bão tố nhấn chìm. Sau này một ngư dân quê ở huyện Bố Trạch tên là Đặng Văn Tiên, trong một lần thả lưới đã bắt được quả chuông và đem cúng vào chùa Non trên núi Thần Đinh”.

Đường leo lên núi Thần Đinh

Hơn 1200 bậc đá với khoảng hơn 40 phút để vượt qua để chinh phục núi Thân Đinh và lên chùa chiêm bái. Những bậc đá ở đây không được đều nhau, lúc thì dốc đứng lúc thì dốc thoải, cho cảm giác khá thử thách khi du khách đến đây, đổi lại cảnh vật khi trải qua những độ cao khác nhau đều đẹp và rất đáng. Khi leo đến khoảng 800 bậc đá mọi người có thể chiêm ngưỡng cảnh núi non và đập hồ Rào Đá ở phía bên trái đường đi. Dọc đường đi còn có 2 ngôi mộ cổ mà lúc đi qua ai cũng dừng lại để dâng hương và cầu bình an trên đường leo núi.

Đường lên núi (Nguồn: sưu tầm)

Ngay dưới chân núi người dân sẽ bán các vật phẩm như: hương, đồ cúng, đồ lễ, nước giải khát để phục cho du khách. Ngoài ra họ còn bán gậy gỗ chống để leo núi.

Chùa Non

Ngay trên đỉnh núi Thần Đinh có khu đất trống bằng phẳng, đây là nơi di tích Chùa Non được xây dựng từ thời xa xưa, cách đây khoảng 300 năm. Trải qua thời gian dài cũng như tác động của chiến tranh vì thế ngày nay di tích chùa Non còn sót lại chỉ là một ngôi miếu nhỏ, các bệ thờ và tường bị rêu bám xung quanh dưới tán cây cổ thụ. Nằm phía bên phải của chùa Non là ngôi miếu cổ được lớp mái ngói vảy cá. Mặc dù chùa không còn nguyên vẹn nhưng bệ thờ vẫn còn và vì sự linh thiêng mà nhiều du khách đến đây để cầu nguyện và dâng hương.

Miếu cổ, chùa Nòn (Nguồn: sưu tầm)

Giếng Tiên

Sau khi thắp hương miếu cổ, du khách sẽ di chuyển đến khu vực Giếng Tiên cách miếu cổ khoảng hơn 200 bậc. Đây là địa điểm không thể không ghé tới khi leo núi Thần Đinh. Gọi là giếng nhưng đây chỉ là hốc đá và nước ở đây quanh năm suốt tháng không cạn, trong vắt, du cho mỗi ngày có hằng trăm lượt khách nhưng nước vẫn đầy.

Giếng Tiên (Nguồn: sưu tầm)

Người dân ở núi Thần Đinh tương truyền rằng đây chính là nước thánh được tích tụ từ những long mạch quý báu trên đỉnh núi. Chính vì vậy khi uống hay rửa mặt dưới dòng nước của giếng Tiên sẽ đem lại nhiều may mắn. Vì thế nên khi du khách đến đây luôn mang về cho mình 1 chai nước thánh để mong cầu khỏe mạnh và hết bệnh tật.

Đỉnh núi Thần Đinh

Đỉnh núi Thần Đinh (Nguồn: sưu tầm)

Đứng trên đỉnh núi, du khách còn được chiêm ngưỡng phong cảnh thiên nhiên hữu tình và ngắm nhìn bao quát vùng đất Quảng Bình. Đứng trên núi nhìn xuống phía đông là vùng đồng bằng rộng lớn có dòng sông Đại Giang – đầu nguồn sông Nhật Lệ chảy uốn lượn nên thơ dưới cầu Long Đại. Con đường leo lên đỉnh núi khá nguy hiểm đường khó đi với những tảng đá tai mèo, chỉ dành cho những người có sức khỏe và không sợ độ cao vậy nên hãy cân nhắc khi lựa chọn leo lên đỉnh núi.

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button