Di tích lịch sửLàng nghề

Làng gốm Mỹ Cương

Làng Mỹ Cương chỉ cách trung tâm thành phố Đồng Hới khoảng vài cây số và cũng ở trong địa phận thành phố, một làng quê bình dị và khiêm tốn nhưng ít ai biết đến ngày xưa, Mỹ Cương là một làng gốm nổi tiếng.

Theo cuốn Địa chí Đồng Hới của cụ Nguyễn Tú thì làng Mỹ Cương xưa là một cộng đồng thợ thủ công chuyên sản xuất đồ gốm và sản xuất gạch ngói. Nhiều cụ phụ lão cao niên cho rằng, làng quê này có gốc gác từ làng Ngọa Cương, ở Tuyên Hóa nhưng theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, địa danh này đã có từ thời Trịnh – Nguyễn.

làng nghề quảng bình
Ông Trần Đình Dị (trái) và chuyên gia người Nhật trong cuộc khai quật lò gốm năm 1997.

Chẳng biết tự bao giờ, sản phẩm gạch ngói và gốm sứ Mỹ Cương được ca tụng và vang danh ở khắp nơi, mọi nẻo, như cụ Nguyễn Tú từng khẳng định: “Hầu như không có nơi nào dựng đình chùa mà không tìm đến Mỹ Cương đặt hàng ngói gạch. Bởi tấm ngói Mỹ Cương là loại ngói liệt, nhỏ, mỏng, nhưng trăm ngàn vạn tấm đều bằng phẳng, không bao giờ cong vênh, nên khi lợp lên mái đình, mái chùa rất phẳng, khít khao, không bao giờ dột”.

Trời phú cho người Mỹ Cương đôi bàn tay tài hoa và cũng ban phát cho nơi đây một đặc ân hiếm có, đó là những vỉa tầng đất sét màu nâu nằm ngay cạnh con sông nhỏ Mỹ Cương. Đất sét Mỹ Cương đặc biệt ở chỗ rất dẻo, lên màu đẹp, dùng làm đồ gốm rất tốt.

Công cụ để làm gốm chủ yếu là bàn xoay, mặt bàn được làm bằng gỗ tốt, đường kính độ 70-90cm. Các dụng cụ khác gồm thuổng xắn đất, cuốc, dao cắt góc, giá đỡ, nạo sắt, kéo cắt đất. Lò nung gốm là loại lò cóc đứng và lò cóc nằm, xây bằng gạch chịu lửa. Nhiên liệu để nung gốm là củi. Những người thợ gốm Mỹ Cương rất giỏi trong việc nung gốm, có tay nghề cao đã tạo cho sản phẩm đẹp có chất lượng tốt. Sản phẩm đẹp còn do tay nghề của các chị, các bà “chuốt gốm” ở giai đoạn cuối cùng.

Làng nghề quảng bình
Các sản phẩm gốm Mỹ Cương còn sót lại tại nhà ông Trần Đình Dị.

Nghề gốm Mỹ Cương xưa cũng đã có một thời đem lại cho dân làng sự thu nhập khá. Đời sống của họ no ấm, sung túc hơn các nghề nông và đánh cá. Trong kháng chiến chống Mỹ, nghề gốm Mỹ Cương đã bị dừng lại, tiếp theo là quy luật thị trường cạnh tranh nghiệt ngã, nghề gốm ở đây cũng đi vào dĩ vãng. Thật tiếc cho một làng nghề một thời nổi tiếng.

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button